“Cộng nghiệp” có thể tịnh hoá nương sức cầu nguyện của cả cộng đồng

Thứ ba - 25/08/2020 08:58
Theo triết lý đạo Phật, “cộng nghiệp” được tích lũy từ nhiều thế hệ vì tất cả chúng ta đã từng sinh ra trên cuộc đời này từ vô lượng kiếp trước, và sẽ còn gặp lại nhau trong những kiếp tương lai. Còn theo cách nhìn thế gian, khoa học hiện đại cho rằng chúng ta chịu ảnh hưởng của các thế hệ trước đây và cũng sẽ ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai qua các đặc tính và gien di truyền. Như bạn cũng thấy, tất cả chúng ta sống trên một xóm làng, thành phố, tổ chức, đất nước hay thế giới này sẽ đều có chung cộng nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta không nên thu mình lại hay nghĩ rằng mình tách biệt với mọi người là sẽ an ổn.
ảnh minh họa
ảnh minh họa
9d420ea9134f51f1b7d6e409defa19a0 XL

Tất nhiên, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau (biệt nghiệp) nhưng đều gắn kết với nhau trong mối liên hệ cộng đồng chung (cộng nghiệp). Chúng ta đến được với nhau nhờ vào thiện duyên, chúng ta sống được trên thế giới này vì mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, vì thế nên hỗ trợ và động viên lẫn nhau. Con đường cả thế gian và tâm linh chúng ta đi còn nhiều trắc trở và chướng ngại. Vì thế, hãy biết nắm chặt tay nhau trong tình thân ái, sự chân thành và trí tuệ hiểu biết. Không có gì không thể vượt qua khi chúng ta cùng đồng hành tiến bước!

Thật không may, khi theo đuổi mưu cầu của đời sống ngắn ngủi, những việc ta làm lại thường tạo ra bất thiện nghiệp. Để có nhà đẹp, tiền của nhiều hoặc tiện nghi thoải mái hơn, chúng ta có thể hành động một cách ích kỷ, xô đẩy người khác trong cuộc chạy đua vội vã được mất hơn thua để trở thành người lo toan giỏi nhất cho riêng mình. Ai cũng tìm kiếm hạnh phúc, nhưng nếu đặt hạnh phúc của riêng mình lên trước hạnh phúc người khác, chính chúng ta đang tích lũy rất nhiều nghiệp quả xấu cho thế gian này. Vì cuộc sống của chúng ta được định hướng và phát triển một cách vị kỷ xoay quanh cái tôi cá nhân, cho nên mỗi ngày, thậm chí từng giây phút, chúng ta phải đương đầu với vô số thảm họa, bệnh tật.

Nếu hiểu được quy luật của nghiệp và nhân quả, chúng ta có thể sẽ dừng lại và quán chiếu một chút trước khi hành động một cách ích kỷ vì sự sung sướng của bản thân mình. Liệu có nên ưu tiên cuộc sống ngắn ngủi này của mình lên trước để rồi tích lũy những nghiệp xấu hay nên nghĩ đến người khác cùng với những kiếp vị lai của mình để nỗ lực hết sức tránh bất thiện nghiệp? Kiếp sống của chúng ta có thể ngắn ngủi nhưng cách chúng ta hành xử, còn gọi là ký ức nghiệp, ngoài hệ quả tức thì sẽ còn lưu dấu để ta nếm trải quả báo tương ứng trong thời điểm tương lai.

Sống trong thế giới cộng nghiệp với muôn loài thì sự lương thiện chỉ có nơi một nhóm người không thể đủ sức hóa giải nghiệp chướng của cộng đồng lớn như toàn thế giới. Điều này nhắc chúng ta cần phải cùng nhau tu tập, cùng nhau chuyển hóa nghiệp chướng để đem lại sự bình an và hạnh phúc cho chính mình, gia đình và xã hội. Các Bậc Thầy dạy: “Nếu một người tụng kinh và tu tập thì năng lực chỉ có một phần, nhưng nếu cả một cộng đồng đều tụng kinh và tu tập cầu nguyện thì năng lực không thể nghĩ bàn”.
 

https specials images forbesimg com imageserve 5e3450b1f133f400076b4981 0x0

Bên cạnh đó, tất cả chúng ta đều cần có nhận thức đúng đắn và cùng chung tay bảo vệ môi trường. Môi trường sống - mẹ Trái đất - sẽ không thể được bảo vệ khi một nhóm người nỗ lực gìn giữ còn những kẻ khác lại tìm cách hủy hoại. Chúng ta cũng cần chung sức tịnh hóa các nghiệp chướng chung của nhân loại. 

Nguyện tất cả mọi người trên thế giới đều mạnh khỏe, bình an. Nguyện nhân loại sớm vượt qua hoàn cảnh khó khăn này và không gặp những chướng ngại tương tự trong tương lai. Mong nguyện tất cả nạn đói, chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên và ô nhiễm môi trường… đều sẽ được tiêu trừ. Nguyện mọi tâm nguyện tốt lành đều được cát tường viên mãn!

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Tác giả bài viết: http://daibaothapmandalataythien.org/cong-nghiep-co-tinh-hoa-nuong-suc-cau-nguyen-cua-ca-cong-dong

Nguồn tin: daibaothapmandalataythien.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây