Tại Sao Chúng Ta Gặp Nhiều Chướng Ngại Khi Thực Hiện Công Hạnh Lợi Tha?

Thứ hai - 26/06/2017 03:02
Nếu chúng ta không thực hành hạnh xả ly thì chúng ta không thể thực hành được Bồ Đề Tâm, không thể giúp đỡ được mọi người và sẽ gặp rất nhiều chướng ngại trong việc phát triển Bồ Đề Tâm
TB2eeEDpVXXXXbVXXXXXXXXXXXX !!62170935
TB2eeEDpVXXXXbVXXXXXXXXXXXX !!62170935

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Pháp hội Pháp Vũ Rồng Thiêng 2017 - Tịnh thất Tây Thiên, Vĩnh Phúc)

 
 

Nếu chúng ta không thực hành hạnh xả ly thì chúng ta không thể thực hành được Bồ Đề Tâm, không thể giúp đỡ được mọi người và sẽ gặp rất nhiều chướng ngại trong việc phát triển Bồ Đề Tâm. Bởi nếu không tu học Nguyên thuỷ Phật giáo (hạnh xả ly) thì tâm chúng ta tràn đầy sự bám chấp, ích kỷ. Khi bám chấp thì làm bất cứ việc gì chúng ta cũng chỉ lợi ích cho cá nhân mình, cho cái tôi. Sau khi chúng ta tu tập để giảm thiểu được sự bám chấp vào bản ngã, cái tôi thì chúng ta sẽ dễ dàng phát triển Bồ Đề Tâm hơn, dễ dàng giúp đỡ người khác và thực hành các công hạnh lợi tha mà không gặp chướng ngại. Tại sao khi thực hành các công hạnh lợi tha chúng ta gặp nhiều chướng ngại là bởi vì chúng ta còn bám chấp vào bản ngã của mình. Ví dụ khi chúng ta nhìn thấy một người bị mù cả 2 mắt và họ rất đau khổ khi không thể nhìn được, nếu chúng ta thực hành hạnh xả ly bằng cách dâng cúng người ta đôi mắt của mình. Nhưng thực tế do bám chấp vào bản ngã chúng ta không dám cho đi đôi mắt của mình, mặc dù ta biết rằng họ rất đau khổ khi bị mù, đó là bởi vì chúng ta còn nhiều bám chấp, chưa thực hành xả ly. Để thực hành Bồ Đề Tâm chúng ta cần có trí tuệ để thấy được bản chất hư vọng của thân tâm cảnh và xả ly sự bám chấp vào thế giới này. Sự tu tập cần theo thứ lớp thì mới có sự hỗ trợ từ các nấc thang phía trước để có thể vững vàng và tiến tu.

 
 

Nói về việc cho đôi mắt thì e là quá khả năng, tôi nói vấn đề đơn giản về việc bỏ ra 1.000 USD để giúp đỡ những người bệnh, người hoàn cảnh khó khăn thì cũng giúp họ bớt khổ được rất nhiều. Nhưng rồi ngay cả việc này chúng ta cũng không sẵn sàng, chúng ta tiếc của, bám chấp vào 1.000 USD này. Do chúng ta thiếu trí tuệ để thấy được bản chất hư vọng của thế giới này, chưa rèn luyện hạnh bố thí nên việc cho đi của chúng ta gặp chướng ngại, vì thế việc thực hành Bồ Đề Tâm không được.

 
 

Trong ‘Lục độ Ba la mật’ thì hạnh Bố thí đứng đầu. Mặc dù chúng ta biết cần trải qua ‘Lục độ Ba la mật’ nhưng nếu thiếu sự rèn luyện thì chúng ta cũng không thể thực hành bố thí được. Thực hành sự xả ly là điều kiện để dễ dàng thực hành bố thí. Tôi lấy ví dụ việc giảng pháp cũng là một hạnh bố thí đó là Pháp thí. Tuy Pháp thí không mất đi tài sản nhưng người thí Pháp không phải dễ dàng vượt qua những chướng ngại khó khăn, người thực hành Pháp thí cần tỉnh thức được tầm quan trọng của giáo pháp đối với người khác, phải bỏ bớt đi sự cá nhân của mình. Ví dụ trường hợp của tôi, để đi xuống đây giảng pháp cùng các Phật tử, thì nếu là người bám chấp thì có thể ngồi trong phòng yên tĩnh nằm xuống nghỉ ngơi, nhưng tôi cần bỏ qua sự thoải mái này để đi xuống tụng Kinh, khoá lễ, giảng pháp đem lại lợi ích cho mọi người. Cũng như vậy đối với việc tu tập, chúng ta cần xả đi những cái riêng của mình, xả đi sự bám chấp, sự thoải mái cá nhân thì mới có thể thực hành bố thí.

 

Bí mật con đường cần phải đi của một hành giả Phật pháp

 
 

Đức Phật Thích Ca là một bậc Thầy giác ngộ, Ngài đạt tới sự tỉnh thức tuyệt đối, bởi thế Ngài biết rõ con đường cần phải đi, thứ lớp nào cần phải thực hành trước sau. Ngài đã sắp sẵn cho chúng ta các nấc thang để đi tới giác ngộ giải thoát. Nấc thang thứ nhất là Quy y, thực hành căn bản của Nguyên thuỷ Phật giáo, là tu tập hạnh xả ly. Nấc thang thứ hai là phát triển Bồ Đề Tâm. Nấc thang thứ ba là tu tập Kim Cương thừa. Đây là con đường cần phải đi. Nếu chúng ta đi qua nền tảng thứ lớp đúng cách thì sự tu tập của chúng ta dễ dàng, không gặp chướng ngại. Tôi lấy ví dụ khi đi học, chúng ta cần trải qua học tiểu học rồi trung học sau mới đến đại học, nếu chúng ta học hành có thứ lớp thì sẽ có đủ kiến thức căn bản để thi vào đại học không khó khăn và ngược lại chúng ta muốn nhảy cóc thì dù chúng ta có giả vờ ở cùng với sinh viên đại học thì chúng ta bị thiếu kiến thức không thể giống với sinh viên đại học. Cũng như vậy chúng ta bỏ qua Nguyên thuỷ Phật giáo rồi vờ mình là người tu theo Đại thừa thì ta cũng không phải là hành giả Đại thừa. Bởi thế chúng ta cần đi theo đúng thứ lớp mà bậc Thầy giác ngộ đã chỉ ra. Đây chính là bí mật con đường cần phải đi của một người tu tập.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây