Pháp Khí Mật Tông - Mandala Nepal

https://www.mandalanepal.com


Thiền quán hay thiền định mới giúp bạn tránh đi lầm đường?

Nếu không thực hành thiền quán mà chỉ thực hành thiền định, chúng ta thường đi lầm đường, không biết phải đi đâu, về hướng nào, tựa hồ như lạc trong khu rừng rộng lớn, rậm rạp đến mức không thấy cả bầu trời. Chuyện này thường diễn ra trong thực hành thiền định và khiến chúng ta phí hoài nhiều công sức, thời gian. Vì thế, chúng ta cần suy ngẫm về lối sống của mình, và chủ yếu là về tâm. Đó là việc quan trọng.
Thiền quán hay thiền định mới giúp bạn tránh đi lầm đường?

Nếu không thực hành thiền quán mà chỉ thực hành thiền định, chúng ta thường đi lầm đường, không biết phải đi đâu, về hướng nào, tựa hồ như lạc trong khu rừng rộng lớn, rậm rạp đến mức không thấy cả bầu trời. Chuyện này thường diễn ra trong thực hành thiền định và khiến chúng ta phí hoài nhiều công sức, thời gian. Vì thế, chúng ta cần suy ngẫm về lối sống của mình, và chủ yếu là về tâm. Đó là việc quan trọng.

Nếu chúng ta không hiểu ra sự thật giản đơn là tâm đang phóng chiếu ra vạn pháp, chúng ta sẽ coi vạn pháp là rất quan trọng khi chúng xuất hiện trước mắt, tai và tất cả các căn của chúng ta. Vì coi vạn pháp là quan trọng, nên chúng ta để tâm bị vạn pháp làm xao nhãng. Vạn pháp sẽ không để cho bạn an trụ trong tự tính, tập trung nhất tâm vì chúng sẽ luôn khiến tâm bạn xao nhãng. Đây là một chướng ngại. Vì thế khi hiểu ra sự thật là vạn pháp chỉ do tâm gán ghép danh ngôn khái niệm, và chỉ có tâm mà thôi, thì hiểu biết này chắc chắn sẽ giúp bạn tập trung hơn nhiều.

Đến lúc này, chúng ta cần quán chiếu và hiểu được tâm, nếu không chính tâm sẽ khiến chúng ta xao nhãng. Tâm chúng ta đang nói đến ở đây là tâm rộng lớn vô biên như pháp giới. Tâm có muôn hình vạn trạng. Bởi vậy trong Kinh Đức Phật dạy: “Pháp giới lấy chân tâm làm thể, nơi nào có pháp thì có tâm. Tâm trải rộng khắp pháp giới đủ các hình tướng muôn loài, đủ các công dụng Thánh phàm”.

Trong khi Kinh thừa dạy nhiều về việc để tâm trống không, Chân ngôn thừa dạy cách thực hành thiền chủ động hơn. Phương pháp này gọi là thiền quán, theo đó tâm vẫn ghi nhận hành động nhưng không mất đi sự tỉnh thức. Đây là sự khác biệt nhỏ giữa thực hành Chân ngôn thừa và thực hành Kinh thừa, hay còn gọi là thực hành Kim cương thừa và thực hành Đại thừa. Điều quan trọng chúng ta cần biết, thiền quán là hệ thống thực hành có liên hệ mật thiết với lối sống thường nhật của người tu tập.

Tâm thiền định sẽ tự nhiên xuất hiện nếu chúng ta thành tựu trong thực hành thiền quán, gần như chúng ta không phải tìm kiếm. Có những người chưa thực sự hiểu về vấn đề này và cho rằng thiền quán không có ích gì. Cũng có nhiều người gặp tôi để hỏi những câu hỏi và chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này. Họ nói: “Thiền quán là gì? Tôi không thích thiền quán. Tôi thích ngồi và chẳng làm gì cả. Không suy nghĩ gì hết. Cách thực hành đó rất tốt. Nếu tôi quán chiếu thì tâm sẽ trở nên xao nhãng. Nếu tôi không quán chiếu thì mọi việc lại ổn…”. Dĩ nhiên cách đó tốt khi bạn đi ngủ. Nhưng đó không phải là thiền, đó là việc ngủ.

Mặc dù thiền quán có thể khiến tâm xao nhãng, nhưng tâm cần xao nhãng như vậy để hiểu được sự thật. Thiền quán không phải là điều chúng ta cần lảng tránh, rồi viện cớ thực hành thiền định mà không hề quán chiếu. Cách làm đó không đúng. Thiền quán có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với những người mới thực hành thiền cần đạt được những hiểu biết nhất định. Và khi đã đạt được những hiểu biết này, nhờ thực hành thiền quán, chúng ta có thể quay trở lại thực hành thiền định, lúc này không cần quán chiếu nữa mà chỉ an trụ trong tự tính. Vì đã hiểu được rằng vạn pháp không có tự ngã, không tồn tại độc lập nên người tu tập có thể trụ trong tự tính tâm chân thật. Trước khi có hiểu biết như vậy, chúng ta cần thực sự tìm ra ý nghĩa của thiền định. Thiền định nghe có vẻ như sự nhất tâm tập trung, nhưng để có thực hành thiền nhất tâm, tức là Ba la mật thứ năm, thì chúng ta cần áp dụng các kỹ thuật.

Nhìn chung, khi nghe giảng về các nội dung thực hành, nhiều người đã bắt đầu tìm hiểu, suy ngẫm, thực sự lúc đó bạn đang bắt đầu thực hành rồi. Trước tiên bạn hãy thiền về tính không, có nghĩa là không có tạo tác, hãy an trụ trong tự tính một lúc. Chúng ta thường nhắm mắt vì chúng ta muốn cắt đứt mọi nhận thức, nhưng đó là cách thiền của chúng ta. Cách thiền thực sự là cần kết nối với tự tính, chứ không phải là với vọng tưởng. Hãy để mọi suy nghĩ tự nhiên đến và đi. Việc nhắm mắt hay mở mắt không quan trọng, nhưng chúng ta nên mở mắt hơn là nhắm mắt trong lúc thiền. Bởi nếu nhắm mắt, bạn sẽ nhất thời cảm thấy rất thoải mái, ít bị phân tâm nhưng khi mở mắt trở lại, bạn sẽ dễ bị khó chịu hơn bình thường. Ngoài ra, nhắm mắt lúc thiền định dễ gây ra sự phân biệt tương phản mạnh mẽ giữa lúc tĩnh tức là khi bạn thiền định với lúc động tức là đời sống thực tế. Điều đó cản trở bạn hành thiền trong mọi hoạt động thường nhật dù là đêm hay ngày.

(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa về Pháp tu Quan Âm tại Plouray, Cộng hòa Pháp, 2007)

Nguồn tin: daibaothapmandalataythien.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây